Ngày nay, dưới sự phát triển của Khoa học – Kĩ thuật, tài sản vô hình đang ngày càng thể hiện được vai trò và giá trị của mình đem lại cho doanh nghiệp. Vậy tài sản vô hình là gì? Tại sao lại quan trọng đến vậy? Bài viết dưới đây sẽ giúp đọc giả hiểu và có một góc nhìn khách quan hơn về tài sản vô hình.
1. Tài sản vô hình là gì?
Tài sản vô hình là một tài sản không có hình thái vật chất (không giống như tài sản vật chất như máy móc, tòa nhà hay đất đai) và thường rất khó đánh giá. Nó bao gồm bằng sáng chế, bản quyền, nhượng quyền thương mại, lợi thế thương mại, nhãn hiệu và tên thương mại, và giải thích chung cũng bao gồm phần mềm và các tài sản dựa trên máy tính vô hình khác. Trái ngược với các tài sản khác, tài sản vô hình nói chung lại mang lại những giá trị vô cùng to lớn cho doanh nghiệp cả về tiền bạc, hình ảnh cũng như sự phổ biến khi chiếm tới 70% giá trị của Doanh nghiệp.
- Không có hình thái vật chất; tuy nhiên một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;
- Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính, v.v.);
- Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;
- Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.
2. Phân loại tài sản vô hình
Theo cuốn sách “Intellectual Property: Valuation, Exploitation and Infringement Damages” của tác giả RUSSEL L.PARR đã phân loại tài sản vô hình của doanh nghiệp như sau:
- Tài sản trí tuệ là một loại đặc biệt của tài sản vô hình bởi nó được luật pháp bảo vệ khỏi việc sử dụng trái thẩm quyền cỉa người khác. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, tên gọi xuất xứ, tên thương mại, bí mật kinh doanh, phát minh khoa học, sáng kiến, quyền tác giả, bản quyền); Đây là những tài sản khách quan mà nhà nước công nhận và bảo hộ. Vậy tài sản vô hình còn được thể hiện như thế nào?
- Văn hóa doanh nghiệp: Mỗi Doanh nghiệp cần xác định rõ văn hóa của mình bao gồm Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi. Tại sao việc này lại quan trọng đến vậy? Bởi đó chính là bộ mặt của Doanh nghiệp. Nếu các thành viên của Doanh nghiệp không đồng lòng vì mục tiêu chung, giá trị họ mang lại cho khách hàng là khác nhau, sứ mệnh mà Doanh nghiệp đem lại không được xác định rõ. Đó sẽ là điểm trừ lớn đối với khách hàng cũng như đối tác kinh doanh và đây sẽ là “con sâu ăn mòn” doanh nghiệp của bạn.
- Đối tác (Supplier/ Distributor relationships): Đối tác làm ăn hay mối quan hệ hợp tác Win – Win, đây cũng có thể coi là tài sản vô hình của Doanh nghiệp bởi với mỗi công ty sẽ có hệ thống đối tác để hỗ trợ, xúc tiến thương mại, trao đổi mặt hàng kinh doanh để cùng nhau phát triển và đối tác của doanh nghiệp này cũng có thể là đối tác của doanh nghiệp kia mà không có bất kỳ sự cản trở nào.
- Danh sách khách hàng (Customer lists): Đây có thể được coi là một trong những điểm quan trọng nhất của tài sản vô hình bởi với danh sách khách hàng tiềm năng hoặc đã sử dụng dịch vụ, Doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối, chia sẻ, tham khảo trải nghiệm của khách hàng để từ đó nâng cao chất lượng cũng như khiến khách hàng tiếp tục ủng hộ và sử dụng dịch vụ. Mỗi doanh nghiệp sẽ đều có lượng khách hàng nhất định và gắn bó. Đặc biệt trong các ngành liên quan đến dịch vụ như nhà hàng, bán buôn bán lẻ, cung cấp dịch vụ pháp lý,…
- Các chương trình Marketing, tái tìm kiếm khách hàng (Marketing, research programs): Marketing từ lâu đã là phương tiện, công cụ để doanh nghiệp tiếp cận nguồn khách hàng tiềm năng và tăng độ phủ cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược marketing riêng và kế hoạch bài bản để giành lấy thị phần (khách hàng) trên thương trường.
- Phần mềm sáng tạo (Software and operating system): Đây có thể là sản phẩm, chương trình công nghệ mà doanh nghiệp tạo lập và tung ra thị trường như Website của Công ty, trang Web,… để giúp người dùng tìm hiểu về Công ty một cách tường tận cũng như hỗ trợ người dùng có trải nghiệp tốt nhất. Hoặc cũng có thể là phương tiện để doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời đại hiện nay, ví dụ: 1office, Kiotviet, Vietpos,… Đây là những phần mềm giúp doanh nghiệp tối đa hóa trong quản lý, sử dụng và điều chỉnh khi vận hành. Và những phần mềm ấy đều rất quan trọng vì đều có đầy đủ thông tin doanh nghiệp, doanh số, các chi phí đi kèm cũng như lợi nhuận sau thuế đều được tính toán một cách chính xác.
- Hợp đồng, thiết kế (Contracts – Designs): Là hình ảnh của công ty với đối tác, khách hàng bao gồm header – footer, hình ảnh được gắn lên logo, biển hiệu để khách hàng nhận biết doanh nghiệp.
- Nhân sự của doanh nghiệp (Assembled workforce): Đây được coi là tài sản vô hình lớn nhất và quan trọng nhất mà doanh nghiệp có được bởi chính những nhân sự nguồn đang được đào tạo và làm việc đều mang lại những giá trị vô cùng to lớn mỗi ngày để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Với thời đại hiện nay khi tài sản cố định chỉ chiếm 30% còn tài sản vô hình chiếm tới 70% giá trị của doanh nghiệp thì giá trị của con người vẫn không hề giảm mà thậm chí còn ngày càng quan trọng hơn nữa. Việc doanh nghiệp sử dụng hết năng lực của nguồn nhân sự mình đang có sẽ mang lại những giá trị rất to lớn cả về kinh tế, hình ảnh, mức độ phổ biến,…
3. Giá trị mà tài sản vô hình đem lại cho Doanh nghiệp
Tuy tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất, không thể nhìn hay cầm nắm được nhưng lại có giá trị rất lớn khi định giá một doanh nghiệp, vậy những giá trị mà tài sản vô hình mang lại:
- Cho phép doanh nghiệp xác định chính xác hơn giá trị của doanh nghiệp: thông qua các tài sản vô hình, giá trị trong tương lai mà Doanh nghiệp mang lại chứ không chỉ dừng lại ở tài sản hữu hình
- Phục vụ cho việc xác định đúng các chi phí gắn với khấu hao tài sản cố định vô hình qua đó tính toán giá thành tốt hơn: Cùng cung cấp một sản phẩm/dịch vụ nhất định nhưng đối với Công ty đã có tiếng vang trên thị trường chắc chắn sẽ có giá cao hơn. Đó chính là giá trị của hình ảnh, thương hiệu – một dạng tài sản vô hình.
- Giúp thuận tiện cho việc mua bán trao đổi các tài sản vô hình giữa các doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc hình thành các dự án phát triển các loại tài sản vô hình của mình.
- Tài sản vô hình được thẩm định giá trong trường hợp: mua bán, chuyển nhượng; góp vốn liên doanh; tài cấu trúc doanh nghiệp: mua bán, sát nhập, chia tách, cổ phần hóa…; xử lý nợ; giải thể doanh nghiệp; đền bù, bảo hiểm, khiếu nại; hoạch toán kế toán, tính thuế.
4. Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ tài sản vô hình của mình?
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) gợi ý cho doanh nghiệp một số chiến lược bảo hộ cơ bản
- Nhận dạng: các doanh nghiệp nên cân nhắc khi quyết định coi một thông tin là bí mật thương mại. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đánh giá các yếu tố như: phạm vi đã bộc lộ của thông tin; khả năng bảo mật thông tin; giá trị của thông tin đối với chính doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh; độ khó để người khác thu thập và tiếp cận thông tin…
- Xây dựng chính sách bảo hộ: chính sách bảo hộ phải minh bạch, rõ ràng; phải có khả năng chứng minh được các cam kết bảo hộ có ý nghĩa quan trọng trong trường hợp phải tiến hành thủ tục tố tụng…
- Giáo dục nhân viên: phải hạn chế được việc bộc lộ thông tin do vô ý; đào tạo nội bộ nhân viên từ khi mới vào về ý thức bảo mật thông tin; thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra vi phạm…
- Đánh dấu tài liệu: xây dựng hệ thông đánh dấu tư liệu thống nhất và nâng cao hiểu biết của nhân viên.
- Cách ly và bảo bộ về mặt vật lý: có thể thực hiện các biện pháp như nộp lưu có khóa riêng biệt; kiểm soát truy cập; xé nhỏ thông tin; kiểm tra giám sát thường xuyên
- Cách ly và bảo hộ dữ liệu điện tử: như kiểm soát truy cập; mã hóa, xây dựng tường lửa; giám sát kiểm tra dữ liệu đi và đến…
- Đối với các bên thứ ba: lập hợp đồng bảo mật, hạn chế tiếp cận chỉ theo nhu cầu cần phải biết…
- Cung cấp tự nguyện: chia sẻ theo mức độ để khai thác; hạn chế tiếp cận của những đối tượng được cung cấp; thiết lập hợp đồng bảo mật…
Qua đó, ta có thể thấy ngày nay, tài sản hữu hình đã không còn là giá trị to lớn và quan trọng nhất trong doanh nghiệp. Việc tài sản vô hình ngày càng nâng cao và thể hiện giá trị cho thấy các Doanh nghiệp đã có những hướng đi mới theo thị trường khi tập trung hơn vào hình ảnh, tập trung phát triển thương hiệu của Doanh nghiệp, Marketing theo xu hướng số hóa để người dùng biết đến, có được trải nghiệm cũng như nhiều sự lựa chọn trong xã hội ngày nay. Đây cũng là mục tiêu cũng như lợi ích sống còn của Doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường trong và ngoài nước. Chính vì vậy đối với một số tài sản vô hình như đối tượng Sở hữu Công nghiệp, Doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký đối với Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả để được Pháp luật bảo hộ cũng như giảm thiểu rủi ro to lớn về sau này, góp phần giúp Doanh nghiệp ngày càng phát triển và thịnh vượng.