Một số điểm chính của Luật Giá 2023 tại Việt Nam

ASLAW

Một số điểm chính của Luật Giá 2023 tại Việt Nam

Ngày 19/6/2023, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi Luật Giá, và nó sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Sửa đổi này của Luật Giá được xây dựng trên cơ sở kế thừa, tận dụng và hoàn thiện các quy định phù hợp với thực tế; đồng thời điều chỉnh, bổ sung những điều chưa rõ, chưa đồng nhất và chưa thống nhất theo nguyên tắc Hiến pháp, pháp luật và tính đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật…

Luật Giá sửa đổi, sau khi được Quốc hội thông qua, bao gồm 8 chương và 75 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về giá, thẩm định giá; và các điều khoản thi hành khác…

Một số điểm nổi bật đáng chú ý tại Luật Giá 2023 bao gồm:

Bổ sung nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác

Điều 3 Luật Giá 2023 quy định:

“Áp dụng Luật Giá và pháp luật có liên quan

1. Trường hợp có quy định khác nhau về giá giữa Luật Giá và luật khác được ban hành trước ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

3. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành có quy định bổ sung hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì phải đánh giá tác động chính sách; hàng hóa, dịch vụ đó phải đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này; đồng thời quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm định giá, hình thức định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đó, xác định cụ thể về căn cứ, phương pháp định giá, việc ban hành văn bản định giá thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định tại Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.”

Bổ sung thêm tiêu chí danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ. Theo khoản 1 Điều 8 Luật Giá 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có quyền tự định giá và điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất để phù hợp với hoạt động kinh doanh, biến động thị trường, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, có một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù thuộc sự điều chỉnh của Nhà nước sẽ không áp dụng quy luật này.  Cụ thể, khoản 1 Điều 21 Luật Giá 2023 quy định:

“Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

1. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên;

c) Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

d) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh”

Những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh. Theo đó, những loại danh mục hàng hóa, dịch vụ này sẽ do Nhà nước định giá để đảm bảo vị thế của đất nước và các mục tiêu khác phục vụ cho sự phát triển lớn mạnh của quốc gia.

Quy định cụ thể về kê khai giá, niêm yết giá

Điều 28 Luật Giá 2023 quy định cụ thể về kê khai giá là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tự quyết định và được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai.

Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá;

b) Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng;

c) Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu;

d) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, Điều 29 Luật Giá 2023 cũng đã quy định cụ thể về việc niêm yết giá:

“1. Niêm yết giá là hình thức công khai về giá. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối. Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp, các thông tin khác (nếu có) về đặc điểm kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, phương thức mua, bán.

2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức: in, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết; đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết và bán đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành; đối với hàng hóa, dịch vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá thì phải niêm yết và bán theo giá phù hợp với giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh mức giá niêm yết ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ.”

Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm

Luật Giá 2023 đã bổ sung, sửa đổi các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó, điều đáng chú ý nhất là về hành vi nghiêm cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thẩm định giá:

“1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá:

a) Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá và tổ chức, cá nhân hoạt động thẩm định giá;

b) Cố tình tiết lộ, sử dụng thông tin về giá do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

2. Đối với tổ chức, cá nhân:

a) Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế – xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;

b) Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết trong các giao dịch mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;

c) Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi;

d) Cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá giả cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;

e) Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc sử dụng chứng thư đó cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá;

g) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

3. Đối với doanh nghiệp thẩm định giá:

a) Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; thông tin không chính xác về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;

b) Cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

c) Kê khai không chính xác, không trung thực, giả mạo hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, hồ sơ đăng ký hành nghề của thẩm định viên về giá;

d) Phát hành khống chứng thư thẩm định giá;

đ) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.”

Đáng chú ý, ngoài các hành vi nghiêm cấm chủ yếu đã được quy định tại Luật Giá 2012, bản sửa đổi Luật giá năm 2023 bổ sung thêm 02 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá là hội đồng thẩm định giá và thành viên hội đồng thẩm định giá.

Bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu về giá

Điều 38 Luật Giá 2023 bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu về giá, chia làm hai loại gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương.

Quy định này nhằm tăng cường cơ sở pháp lý cho việc triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá tại Bộ Tài chính đảm bảo kết nối với các Bộ, ngành, địa phương, phục vụ tốt cho yêu cầu công tác quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhu cầu xã hội.

Có một hệ thống giá ổn định, chính xác tổng hợp thông tin từ nhiều cấp, ban ngành sẽ góp phần tạo ổn định giá trên thị trường, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và các nhu cầu của xã hội, do Bộ Tài chính thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và phải trả giá dịch vụ theo quy định của Bộ Tài chính.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá tại địa phương và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm cập nhật thông tin dữ liệu về giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về giá phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Đăng ký ngay Liên hệ tư vấn
Liên hệ ngay để được tư vấn

Liên hệ

  • ASLAW
  • 0914195266
  • 0914195266

    Xem thêm bài viết khác
    Quy định về chế độ thai sản tại Việt Nam

    Quy định về chế độ thai sản tại Việt Nam

    Ở Việt Nam, chế độ thai sản là một phần quan trọng của hệ thống bảo hiểm xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ mang thai và giúp họ có điều kiện tốt nhất để chăm sóc […]

    Quy định về điều kiện hưởng lương hưu tại Việt Nam

    Quy định về điều kiện hưởng lương hưu tại Việt Nam

    Ở Việt Nam, quy định về điều kiện hưởng lương hưu được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan. Dưới đây là một số điểm quan trọng […]

    Lưu ý về việc tiếp tục lao động sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam

    Lưu ý về việc tiếp tục lao động sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam

    Trong thời đại nới lỏng các ràng buộc về tuổi nghỉ hưu và với sự gia tăng đáng kể về tuổi thọ trung bình, việc tiếp tục lao động sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu không còn là điều […]

    KHÁCH HÀNG CỦA ASLAW
    LIÊN HỆ VỚI ASLAW